Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, giai đoạn 2023 - 2025, địa phương này sẽ nhập 3 phường Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Thị Nại thành 1 đơn vị hành chính cấp xã mới là phường Thị Nại; nhập 3 phường Lý Thường Kiệt, Lê Hồng Phong, Trần Phú thành 1 đơn vị hành chính cấp xã mới là phường Trần Phú. Qua rà soát, có 53 cán bộ, công chức, viên chức bị dôi dư sau sáp nhập. Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn cho biết, thành phố có trách nhiệm giải quyết đối với số cán bộ, công chức dôi dư của các phường sau khi sắp xếp. Ngoài chính sách của Trung ương thì Thành ủy Quy Nhơn cũng đã đề nghị Tỉnh ủy Bình Định quan tâm chỉ đạo, sớm có chính sách hỗ trợ đối với nhóm cán bộ, công chức, viên chức này.
Ông Nguyễn Văn Dũng nói: "Xây dựng đề án, sắp xếp lên kế hoạch thì sẽ có sự dôi dư cán bộ, công chức. Sau khi sắp xếp thì tôi kiến nghị với tỉnh là nên xem xét cho các cơ quan ban, ngành của tỉnh cũng như bên chính quyền, nếu có thiếu biên chế, thay vì tuyển thì cho xét tuyển. Những cán bộ, công chức dôi dư ra, chúng tôi sẽ cung cấp toàn bộ những trường hợp này như trình độ, các tiêu chuẩn. Nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn cũng nên tạo điều kiện cho số dôi dư sau khi sắp xếp lại đơn vị cấp xã, phường."
Còn tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, địa phương này sẽ sáp nhập 4 phường gồm An Phú, An Nghiệp, An Cư và Thới Bình. Sau sáp nhập, địa phương dôi dư 100 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách. Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ đang tham mưu UBND thành phố thực hiện kế hoạch tuyển dụng thông qua hình thức tiếp nhận công chức cấp xã của quận Ninh Kiều về làm công chức cấp quận, hoặc khuyến khích các sở, ngành tiếp nhận những nhân sự dôi dư này. Còn những cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách lớn tuổi, chưa đạt chuẩn, địa phương vận động tự nguyện xin nghỉ để hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.
Ông Châu Việt Tha, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ cho biết: "Ưu tiên tiếp nhận cán bộ công chức của quận Ninh Kiều về làm công chức cấp quận hoặc khuyến khích các sở ngành mà có biên chê còn thiếu thì thu nhận cán bộ công chức dôi dư này nếu đủ điều kiện."
Giai đoạn 2023 - 2025, cả nước sẽ tiến hành sắp xếp đối với 50 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.243 đơn vị hành chính cấp xã. Số cán bộ lãnh đạo đơn vị hành chính cấp huyện dôi dư khoảng 2.500 người; cấp xã khoảng 27.900 người; cán bộ không chuyên trách cấp xã khoảng 16.000 người. Con số này cao hơn gấp nhiều lần so với số cán bộ dôi dư khi tiến hành sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021. Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2019 - 2021, số cán bộ cấp huyện dôi dư là 706 người; còn ở cấp xã là 9.705 người. Nhiều địa phương đã lên kế hoạch phấn đấu đến năm 2022, giải quyết xong số người dôi dư. Nhưng, thực tế, ở cấp huyện, đến nay mới giải quyết được cho 361 cán bộ công chức cấp huyện.
Để giải quyết chế độ, chính sách với cán bộ dôi dư sau sáp nhập, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho biết: "Các cơ chế, chính sách trong khi Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 2 nghị định của Chính phủ là Nghị định số 29 về tinh giản biên chế, Nghị định 33 về các cán bộ công chức cấp xã thì cũng có cơ chế chính sách tương đối là ưu đãi, vượt trội để làm cơ sở để giải quyết dứt điểm số đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của giai đoạn trước và cả giai đoạn 2023-2025 mà chúng ta đang thực hiện. Giải quyết đối tượng dôi dư này theo hướng là các đơn vị cấp xã mà sau khi sắp xếp diện tích tự nhiên và dân số tăng lên thì trong Nghị định có quy định được tăng thêm số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã".
Ở một góc độ khác, theo ông Trần Hữu Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cần có một cơ chế, tiêu chí cụ thể thống nhất để phân định rõ ai là người có đủ năng lực phù hợp với yêu cầu công tác mới khi sáp nhập: "Cán bộ nào tiếp tục ở lại làm việc, cán bộ nào thì phải chuyển sang các công việc khác. Thế thì tôi nghĩ từng địa phương căn cứ vào tình hình thực tế của mình, căn cứ vào đặc điểm và yêu cầu của công việc có những quy định phù hợp với tính chất của địa phương mình. Tiêu chí thì đầu tiên chúng ta phải căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ, công chức. Thứ hai là hàng năm chúng ta đều có nhận xét, đánh giá kết quả làm việc của từng cán bộ, công chức, viên chức. Thứ ba là phải căn cứ vào nhu cầu của công việc mà bây giờ chúng ta đang nói đến vị trí việc làm. Và cái thứ tư là người ta sẽ tính đến quá trình đào tạo chuyên ngành chuyên sâu của cán bộ đó."
Theo kế hoạch, việc sáp nhập các huyện, xã đợt này cần hoàn thành trước tháng 10 năm nay để các địa phương kịp chuẩn bị cho Đại hội đảng nhiệm kỳ mới. Vì vậy, việc sắp xếp nhân sự trong đợt sáp nhập này cần gắn cả với công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội.
Theo VOV.VN