Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp lần thứ 33. Trong 3 ngày diễn ra phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dự kiến diễn ra vào ngày 20/5 tới đây.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Phiên họp thứ 33 dự kiến diễn ra trong 3 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến, xem xét, quyết định 14 nhóm nội dung và cho ý kiến bằng văn bản đối với 5 nhóm nội dung.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Trong đó, về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng và dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Các nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại Phiên họp thứ 32 (tháng 4/2024); đối với dự thảo 2 Nghị quyết, Bộ Chính trị đã có nghị quyết, kết luận.
Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hồ sơ và các nội dung của từng dự án, dự thảo; trong đó tập trung xem xét dự án, dự thảo đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng hay chưa; có bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án, dự thảo không; hồ sơ tài liệu, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; nội dung từng chính sách, nhất là các chính sách mới, những vấn đề khó, phức tạp, có sự điều chỉnh, bổ sung so với nội dung Chính phủ đã đề nghị khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh…
Về công tác giám sát, các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận tại phiên họp về 5 báo cáo định kỳ trình Quốc hội, gồm: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 (trong đó có nội dung báo cáo thực hiện quy định tại khoản 6 Điều 3 của Nghị quyết số 91, Nghị quyết số 94 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước); Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV.
Ngoài các báo cáo được thảo luận trực tiếp tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến bằng văn bản đối với một số báo cáo khác.
Về các vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 4 nội dung gồm: Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; việc phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn năm 2024 cho các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 đã hoàn thiện thủ tục đầu tư; việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (nội dung này mới được bổ sung vào chương trình phiên họp).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối về công tác chuẩn bị kỳ họp thứ Bảy; đồng thời, tiến hành tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV theo quy định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, quyết định 2 nội dung thuộc thẩm quyền, bao gồm: Cho ý kiến về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2024 (nội dung này bố trí xem xét cùng với nội dung về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Sáu).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là phiên họp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát, xem xét những nội dung còn lại trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy, cũng như xem xét các điều kiện bảo đảm cho Kỳ họp.
Để bảo đảm chất lượng và tiến độ gửi tài liệu các nội dung tại Kỳ họp thứ Bảy, ngày 8/5 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 2 văn bản đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện những nội dung thuộc trách nhiệm để sớm gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham gia ý kiến.
Ông Trần Thanh Mẫn lưu ý khối lượng công việc của Phiên họp thứ 33 là tương đối lớn, thời gian tiến hành phiên họp chỉ có 3 ngày, các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo cùng với các cơ quan hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, tích cực chuẩn bị các nội dung để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp.
Vì vậy, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng và tham gia tích cực vào các nội dung của phiên họp.
Theo Báo Tin tức
- Quảng Trị sắp xếp 13 đơn vị hành chính cấp xã, dôi dư hơn 110 cán bộ
- Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam được thông qua
- Hơn 46.000 cán bộ dôi dư sau sáp nhập xã, huyện: Giải quyết cách nào?
- Thủ tướng: Ngân hàng sẽ là ngành đi đầu trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
- Phiên đối thoại về nhân quyền của Việt Nam tại LHQ được quốc tế đánh giá cao
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị