Ngày 15/7, Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ tám theo hình thức trực tuyến nhằm đánh giá kết quả triển khai công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2024, bàn phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng BCĐ CCHC của Chính phủ và PTT Chính phủ Trần Lưu Quang –Phó BCĐ chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp tại Quảng Trị có đồng chí Võ Văn Hưng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Lê Đức Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành viên BCĐ cấp tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương.



Trên cơ sở yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tập trung đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ đề ra trong phiên họp thứ 7 và những kết quả đạt được, những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong thực hiện CCHC 6 tháng đầu năm, các đại biểu tập trung làm rõ những nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đề xuất các giải pháp để khơi thông nguồn lực, tháo gỡ những điểm nghẽn.

Phát biểu tham luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh: tỉnh Quảng Trị luôn xác định vai trò, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, thường xuyên, lâu dài. Với những nỗ lực đó năm 2023 các chỉ số của tỉnh đã được cải thiện về điểm số và vị trí xếp hạng trong các tỉnh, thành phố như: Chỉ số PAR INDEX tăng 11 bậc; Chỉ số SIPAS tăng 02 bậc; Chỉ số PAPI tăng 11 bậc so với năm 2022.


Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng phát biểu tại phiên họp


Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng kiến nghị Chính phủ quan tâm đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu thống nhất từ cơ sở đến Trung ương; hoàn chỉnh và hướng dẫn một số thủ tục hành chính, nhất là những thủ tục hành chính liên quan đến một số Luật mới có hiệu lực.

Kết luận phiên họp của Ban chỉ đạo cải cách hành chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm, tinh thần "5 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh rà soát các quy định, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho sự phát triển; đẩy mạnh đối thoại, chia sẻ, xử lý vướng mắc, bất cập cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là về TTHC để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, số hóa dữ liệu, hồ sơ; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực, tất cả các giao dịch.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, các thành viên Ban chỉ đạo khẩn trương rà soát, xác định rõ những điểm nghẽn đang cản trở hoạt động CCHC, đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ; ưu tiên giải quyết ngay những vấn đề nóng, cấp bách, bức xúc trong nhân dân; Triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC một cách thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực, rõ ràng, cân đong đo đếm được, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và nền kinh tế, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các năm tiếp theo.

 

Nguyễn Loan – Thanh Châu

Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập