Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 26 HĐND tỉnh khoá VIII, chiều 10/7, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại tổ. Trong đó tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân, những khó khăn, hạn chế dẫn đến một số chỉ tiêu quan trọng về phát triển KTXH, QPAN chưa đạt kế hoạch đề ra và đề xuất giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2024.



Đánh giá về tình hình tăng trưởng KT-XH 6 tháng đầu năm, qua nghiên cứu các báo cáo tại kỳ họp, các đại biểu cơ bản đồng tình về những kết quả phản ánh đúng thực chất. Đặc biệt thời gian gần đây tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện, khởi công các công trình được người dân đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng như khởi công dự án Cảng hàng không Quảng Trị, tái khởi động dự án Khu bến cảng Mỹ Thuỷ; Lễ hội Vì hoà bình năm 2024...


Các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ

Tuy nhiên đại biểu cho rằng cũng cần nhìn nhận lại những khó khăn, vướng mắc và tồn tại của nền kinh tế. Nhiều chỉ số quan trọng đều đạt thấp so với kế hoạch và so với cùng kỳ năm 2023, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 2,86% so với kế hoạch từ 10 đến 11% là thấp nhất từ trước đến nay...Do đó các đại biểu đề xuất UBND tỉnh cần triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ về tài chính, về thị trường để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào phát triển KTXH; Tăng cường công tác quản lý thuế, nhất là đối với các hộ kinh doanh cá thể và kinh doanh thương mại điện tử, đồng thời có giải pháp để thu thuế đối với những doanh nghiệp có hoạt động trên địa bàn nhưng chưa có nhiều đóng góp cho ngân sách của tỉnh, ví dụ như đối với hoạt động vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam.

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu cho rằng tỉ lệ của tỉnh Quảng Trị còn chậm so với kế hoạch Chính phủ giao. Nếu so với toàn quốc thì địa phương nằm ở tốp cuối, do vậy đề nghị UBND tỉnh có đánh giá và học hỏi kinh nghiệm một số địa phương trong toàn quốc về cách làm. Đồng thời quan tâm đến việc chuẩn bị đầu tư dự án, bởi đây là một trong số những nguyên nhân khiến tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công chậm trễ.

Bên cạnh đó, vấn đề dôi dư, lãng phí một số trụ sở công thuộc các ngành Trung ương đóng trên địa bàn cũng được nhiều đại biểu kiến nghị cần phải sớm có phương án giải quyết, xử lý nhằm tránh dư luận trong nhân dân, cử tri.

Cho ý kiến về một số điều kiện cần thiết để góp phần đẩy mạnh phát triển KTXH địa phương, các đại biểu cũng cho rằng cần đầu tư thêm hệ thống cơ sở vật chất ở phường, xã, thị trấn phục vụ cho việc chuyển đổi số, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Cần thiết có thể ban hành một Nghị quyết chung trong toàn tỉnh để dành nguồn lực đồng đều bố trí cho dự án chuyển đổi số ở các địa phương.

Đối với nhóm các chính sách địa phương, các đại biểu cũng thảo luận, thống nhất phương án đối với các dự thảo Nghị quyết như: Quy định mức hỗ trợ đối với giáo viên, trẻ em và cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”; mức chi Giải thưởng Bùi Dục Tài; mức thu, cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2024-2025; quy định mức hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp; trợ cấp đối với trẻ em đang học tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục là con công nhân, người lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp; dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng trụ sở làm việc Công an xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2.

Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, một số đại biểu cũng đề nghị tỉnh cần cân đối, bổ sung thêm nguồn lực cho các huyện đăng ký về đích huyện nông thôn mới nâng cao; đồng thời hướng dẫn rõ tiêu chí xây dựng mô hình thôn thông minh đối với các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

 

Nhóm phóng viên thời sự

 

Youtube Liên hệ Facebook Đăng nhập