Tin tức

Về với Lâm Lang

Chủ nhật, 16/08/2020 - 09:49

Nằm trải dài hai bên trục đường tấp nập người xe xuôi ngược ngày đêm, làng Lâm Lang đẹp như bức tranh quê tươi mới. Ở phía bên này làng là vóc dáng tràn đầy sức sống của một nông thôn thời mở cửa, tuy nhiên khi bước vào sau cổng làng, những bóng hình của một làng quê xưa nước Việt an nhiên, tự tại với thời gian đưa chúng ta về với chốn quê xưa…


Một cảnh thanh bình ở làng quê Lâm Lang

Lâm Lang thuộc xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Cũng như một số làng lân cận khác thì đối với Lâm Lang, con sông Hiếu Giang là một trục tâm linh, bồi tụ lịch sử văn hóa cho đất và người nơi đây. Sông Hiếu mang hạt phù sa tô điểm cho những miền quê và làm thay đổi bao chuyện mà tự con người không thể thay thế được. Điều này hoàn toàn đúng khi soi chiếu vào mối tương quan giữa lịch sử hình thành và phát triển của dòng sông Hiếu với lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa- lịch sử của Lâm Lang.

Ông Lê Kiệp, Hội chủ làng Lâm Lang cho biết: “Làng Lâm Lang có một cơ duyên là 2 nhánh sông chảy vòng ôm lấy làng, phù sa của các nhánh sông đã bồi đắp màu mỡ cho hoa màu, cây trái trong làng quanh năm tốt tươi. Phải chăng, chính phù sa dòng Hiếu lắng đọng qua hàng nghìn năm đã làm nên cái danh giá của vùng đất nơi dòng sông đi qua”.

Hiện nay trên bờ của dòng sông lịch sử này còn ghi lại chiến tích của một thời khói lửa đạn bom. Những dòng tên trên tấm bia đá này là những đời người, những câu chuyện trong thời khắc tráng ca. Trong kháng chiến chống Pháp, ở bến sông gọi là bến Đập Đá, hàng hóa được vận chuyển lên chiến khu, lên vùng Cùa cũng qua nhánh sông Hiếu này. Đến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đây là một trục đường tải quân lương, thương binh ra Bắc vào Nam, ông Lê Kiệt cho biết thêm.

 

Sông Hiếu chảy qua làng Lâm Lang

Về với Lâm Lang hôm nay, chúng ta sẽ cảm nhận được sự tươi mới của một làng quê. Từ một vùng đất bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, con dân của làng ly tán muôn nơi, nhưng phát huy truyền thống can trường có từ xa xưa, người Lâm Lang đã chắt chiu nhẫn nại gieo hạt lại gặt mùa. Bên cạnh trục đường chính qua làng, chúng ta sẽ thấy các ngôi nhà kiên cố khang trang được xây mới. Điều đó khẳng định một sự chuyển mình lớn mạnh của một vùng quê nông thôn mới cổ truyền, nhưng văn minh và hiện đại.

Đi sâu vào trong làng, nhiều con đường nhựa hoặc bê tông rộng rãi, những ngôi nhà bình yên trong khuôn vườn cây xanh quả ngọt. Nhiều loại cây trái như cam, chanh, bòng bưởi được bàn tay đảm đang vun xới tạo nên một cảnh quan mướt mát. Với tinh thần đoàn kết, chịu thương chịu khó bao đời, người dân Lâm Lang đã vững tin và quyết tâm xây dựng một miền quê thanh bình, xứng đáng với niềm mong mỏi của tiền nhân ngày xưa đi mở cõi.

Lần trong sử sách xưa, cái tên Lâm Lang có trong những làng cổ được thành lập đầu tiên tại tỉnh Quảng Trị, tức là khoảng trước năm 1555. Vì sao làng có tên là Lâm Lang? Ông  Lê  Kiệp, Hội chủ làng Lâm Lang chia sẻ: “Nghĩa chữ Lâm Lang là một viên ngọc quý, ý rằng các vị thủy tổ muốn gửi lại cho đời sau là làng này thành lập ra rất đẹp, con cháu phải giữ làm sau giữ trong suốt như ngọc, đẹp về kinh tế và đẹp về tâm hồn”

Như chúng ta biết thì cư dân hiện nay của Quảng Trị phần lớn có nguồn gốc từ xứ Thanh Nghệ, ngày xưa nằm trong đoàn dân binh đi mở cõi vào Đàng Trong. Sau khi chọn được nơi “đất lành chim đậu” thì tiến hành canh tác, khẩn hoang để lập làng. Có nhiều tên làng được đặt tên làng gốc ở quê hương cố quận. Tuy nhiên cũng không ít làng được đặt theo địa lý hoặc theo sự mong mõi về một sự trường thịnh của làng từ. Tên của Làng Lâm Lang được sinh ra từ ý niệm cao cả như vậy.

Qua bao nhiêu thăng trầm biến động của câu chuyện lịch sử, cho dù đổi tên và sáp nhập vào các đơn vị hành chính khác nhau thì đến ngày hôm nay tên làng Lâm Lang đã trở lại với tên gọi từ xa xưa. Hiện nay, Làng Lâm Lang khá rộng lớn với trên 500 hộ với hai nghìn nhân khẩu. Có ba đơn vị hành chính thôn: Lâm Lang 1,2 và 3 trong không gian tâm linh Lâm Lang. Đến với Lâm Lang, trong câu chuyện xưa nay được người dân nơi đây nhắc đến là truyền thống học hành đỗ đạt của gia đình, dòng họ. Sợi chỉ đỏ ấy xuyên suốt qua nhiều đời, nhiều thế hệ và làm rạng danh cho đất và người nơi đây.

Ông Võ Công Trinh, Trưởng họ Võ làng Lâm Lang cho biết: “ Về quỹ khuyến học thì tất cả các họ trong làng đều làm rất tốt. Riêng đối với dòng họ Võ thì khuyến học khuyến tài được quan tâm từ hàng trăm năm nay. Hàng năm, vào ngày 30 Tết các gia đình có con cháu học giỏi, thi cử đỗ đạt được mời đưa các cháu đến nhà thờ họ để trao thưởng. Chính sự quan tâm này nên con cháu trong dòng họ luôn rèn luyện về đức- tài để làm người có ích cho xã hội, rạng danh gia đình, dòng họ”.

Mỗi miền quê trên đất Quảng Trị, như Làng Lâm Lang này, thật khó để chúng ta nhìn ngắm được hay chạm tay vào quá khứ. Bởi đi qua các cuộc chiến tranh, những di tích xưa giờ đã hóa mình vào trong đất, trong cây. Nhưng lịch sử văn hóa lại có những sức sống riêng của mình, ấy là tạo dựng nên hồn cốt văn hóa vùng miền, tạo nên những bức tranh với sắc thái riêng độc đáo.
Và Lâm Lang là một trong những làng quê như thế...

 
Nguyễn Việt Hà

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD