Tin tức

“Ai cũng được học hành”

Thứ ba, 01/09/2020 - 10:08

Sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nước CHXHCN Việt Nam vào ngày 2/9/1945, kể từ năm 1946, khi trả lời các báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. 75 năm sau, đời sống và đặc biệt là nền giáo dục của nước ta đã thực sự phát triển như mong muốn của Hồ Chủ tịch. Câu chuyện được ghi nhận tại làng Nại Cửu.


Ông Trần Ước (ngồi bên phải) - cựu giáo chức của làng Nại Cửu

Làng Nại Cửu, xã Triệu Đông cũ, nay là xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong vốn nổi tiếng là ngôi làng hiếu học ở tỉnh Quảng Trị. Ông Trần Ước, một cựu giáo chức của làng năm nay đã 87 tuổi. Ông may mắn được tiếp cận với con chữ từ năm 6 tuổi và hoàn thành bậc Tiểu học khi khá sớm. Tuy nhiên, cũng như nhiều nơi trên cả nước, ở làng Nại Cửu thời điểm trước năm 1945, không phải ai cũng có điều kiện học hành đầy đủ. Bởi dưới chế độ Pháp thuộc, để phục vụ cho mục đích cai trị của mình, thực dân Pháp hết sức hạn chế giáo dục dành cho người Việt. Ông Trần Ước kể lại: “Thời đó phải là con nhà quyền thế, con địa chủ, con nhà quan huyện thì mới được đi học chứ nhà nghèo không có. Cả huyện Triệu Phong khi đó cũng chỉ có một trường tiểu học thôi. Tôi thì sinh ra trong nhà nông khó khăn, nhưng may mắn có ông cậu là thầy giáo dạy Pháp văn nên mới được dạy chữ. Tôi nhớ thời đó, học sinh muốn bước vào trường thì trước hết phải chào bằng tiếng Pháp khi đi ngang cổng trường mới được cho vào học…”

Sự kiện mùa Thu lịch sử năm 1945 đã đem đến cơ hội cho hơn 95% dân số của Việt Nam được xóa nạn mù chữ. Ở làng Nại Cửu, với truyền thống hiếu học lâu đời, người dân nơi đây đã bền bỉ để theo đuổi sự nghiệp đèn sách. Không còn cảnh cả làng chỉ có 1- 2 người được đi học, ngày nay, đây là quê hương của hàng trăm giáo viên, cán bộ, công chức đang công tác và giảng dạy ở nhiều nơi trên toàn tỉnh. Trong đó, riêng số giáo viên sinh ra và lớn lên từ làng Nại Cửu đã có đến gần 400 người. Một truyền thống hiếm có ở các làng quê khác. Riêng trong gia đình ông Ước, tính cả dâu rể thì có tất cả 10 người con đều làm nghề giáo viên. Nói về thành tựu này, ông Trần Ước chia sẻ: “Vinh dự lắm, đó là niềm vinh dự của làng Nại Cửu. Nếu để so sánh ngày xưa so với bây giờ thì bây giờ đã khác một trời một vực….Chúng tôi quá vui mừng vì thấy quê hương đã có nhiều thay đổi, ai cũng được học hành,…”

Người xưa từng nói về truyền thống hiếu học của người Việt là “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”. Truyền thống hiếu học của người Việt Nam đã được nhắc đến từ bao đời nay. Trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dù cho dân tộc Việt Nam có rơi vào hoàn cảnh nào thì truyền thống ấy cũng chưa bao giờ bị mai một. Bước vào thời kỳ đổi mới, đất học Quảng Trị cũng đã dành sự đầu tư xứng đáng cho sự nghiệp giáo dục. Một trong những thành tựu rõ nét nhất là hệ thống trường lớp ngày càng được kiên cố hóa, chuẩn hóa, phân bố rộng khắp đáp ứng tốt nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 195/411 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ gần 50%. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước cải thiện, chất lượng giáo dục mũi nhọn có nét khởi sắc. Nhiều tấm gương học sinh như em Văn Viết Đức, Phan Đăng Nhật Minh, Phạm Huy…đã làm rạng danh cho quê hương, thể hiện một tinh thần hiếu học như dòng chảy không ngừng.

Mai Trang – Hồng Quân

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD