Tin tức

Kinh tế vùng cát góp phần nâng cao giá trị nông nghiệp của tỉnh

Thứ sáu, 01/11/2019 - 09:09

Quảng Trị có diện tích đất cát ven biển khá lớn. Nhằm đầu tư phát triển và khai thác thế mạnh vùng cát, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chủ trương như ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIII, về phát triển KT-XH miền biển, vùng cát góp phần đưa nông nghiệp miền biển và vùng cát phát triển theo hướng bền vững đồng thời nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

 
Phát triển cây lúa ngắn ngày trên vùng đất cát xã Triệu Vân huyện Triệu Phong

Với đặc thù là xã vùng biển bãi ngang, đất đai nhiều nhưng đều là cát trắng hoang hóa, bạc màu. Nên từ bao đời nay người dân xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong chỉ biết đánh bắt thủy sản, trồng các loại cây hoa màu có giá trị kinh tế thấp như khoai lang, sắn, đậu xanh… Tuy nhiên, thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu trên vùng cát và vùng ven biển của huyện Triệu Phong. Những năm qua xã Triệu Vân đã đưa vào canh tác nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như đậu đen xanh lòng, mướp đắng, dưa gang, ném kiệu… đặc biệt là cây lúa. Theo thống kê của UBND xã Triệu Vân, từ năm 2014 trở lại đây, hàng năm toàn xã đưa vào sản xuất hơn 138 ha lúa vụ đông xuân, với các giống lúa có chất lượng cao và chống chịu tốt với sự biến đổi thời tiết như HT1, HN6, HC95, Thiên ưu 8, Khang dân… nên dù chân ruộng bị nhiễm mặn nhưng cây lúa vẫn phát triển tốt với năng suất bình quân qua các năm đều đạt trên 40 tạ/ha. Nếu so với vùng đồng bằng thì năng suất lúa không bằng, nhưng đây là một thành công của xã Triệu Vân trong việc chuyển đổi cây trồng vùng cát và chống xâm thực mặn của biển...Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân cho biết: Do nằm ở ven biển nên thường xuyên bị ngập mặn. Tuy nhiên, chúng tôi đã huy động bà con tiến hành ngăn mạn bằng cách ngăn đê ven các vùng canh tác ở trên cát. Đồng thời tìm những loại cây trồng có tính chịu mặn tốt để đưa vào trồng”.
 
 Cây dưa hấu cho thu nhập cao ở vùng cát Triệu Lăng huyện Triệu Phong

 Huyện Triệu Phong là địa phương có diện tích đất cát ven biển khá lớn với hơn 8.746 ha. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng trên vùng cát, hàng năm bên cạnh sản xuất cây lúa, huyện Triệu Phong đã đưa vào canh tác hơn 560 ha đất cát với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: ớt, lạc, dưa hấu, ném, kiệu, sắn, dưa các loại và đậu đen xanh lòng, nuôi tôm… tập trung ở các xã: Triệu Sơn, Triệu Trạch, Triệu Vân, Triệu An và Triệu Lăng.

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng cát, những năm qua, huyện Triệu Phong đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, điện lưới, thủy lợi ra vùng cát. Hình thành những mô hình kinh tế tổng hợp về nông, lâm, thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài chính sách ưu đãi vốn vay, huyện Triệu Phong còn tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con nông dân. Nhờ vậy, ở nhiều địa phương, cây trồng ở vùng cát trở thành nguồn thu nhập cao cho bà con nông dân.
 
Cây mướp đắng trái mùa trên vùng cát Hải Lăng

 Ông Trần Văn Nhuận, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Phong nói thêm: “ Bên cạnh diện tích canh tác ở vùng cát ở các xã Triệu Sơn, Triệu Trạch, chúng tôi cũng đang chú trọng phát triển mạnh các loại cây trồng trên các xã vùng cát ven biển Triệu An, Triệu Vân và Triệu Lăng. Chúng tôi tham mưa cho UBND huyện chỉ đạo cho các địa phương xây dựng vùng chuyên canh và chọn cây trồng phù hợp như mướp đắng, dưa hấu, đậu đen xanh lòng để đưa vào trồng. Ngoài ra một số diện tích có tích có thể trồng  lúa, thì chúng tôi sẽ vận dụng chuyển đổi đưa vào trồng các bộ giống lúa ngắn ngày để tránh ngập mặn về cuối vụ..”

Tại huyện Hải Lăng, cùng với chính sách phát triển kinh tế vùng gò đồi, huyện Hải Lăng cũng hết sức chú trọng đến việc phát triển các loại cây trồng chủ lực trên vùng cát. Cụ thể, tiếp tục duy trì diện tích lúa ở những nơi có năng suất cao; chuyển những diện tích trồng lúa có năng suất thấp sang trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như: lạc, ớt, đậu xanh… có hiệu quả kinh tế cao hơn; đầu tư phát triển các loại rau màu, dưa hấu, hành tỏi, mướp đắng, dưa gang.... Trong đó cây ném được huyện Hải Lăng xác định là cây trồng chủ lực ở vùng cát  theo hướng mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, sau một thời gian dài kết nối sản phẩm cây ném với thị trường và mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản, hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững, đến nay nhãn hiệu ném vùng cát Hải Lăng đã được cấp giấy chứng nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Hiện nay, toàn huyện có trên 180 ha diện tích trồng ném, một số địa phương đang khuyến khích người dân trồng ném theo hướng nông sản sạch.
 

Cây ném là thương hiệu trên vùng cát huyện Hải Lăng

 Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng cát ven biển của tỉnh Quảng Trị có diện tích hơn 48.686 ha bao gồm 30 xã, thị trấn, trải dọc theo các huyện ven biển : Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Nhằm đầu tư phát triển và khai thác thế mạnh vùng cát, tỉnh đã có nhiều chủ trương như ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIII, về phát triển KT-XH miền biển, vùng cát, tạo nên những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa nông nghiệp miền biển và vùng cát phát triển theo hướng bền vững. Cụ thể, ngoài các cây trồng truyền thống như ném, khoai lang… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khảo sát, nghiên cứu để đưa các đối tượng cây trồng, con nuôi mới phù hợp với vùng đất cát vào sản xuất như mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò; mô hình trồng Dứa có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm liên kết với Công ty cổ phần Thực phẩm xauats khẩu Đồng Giao để tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản để triển khai mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất dưa lưới, cà chua, tỏi, măng tây... tại Trung Giang; Công ty Thương mại Quảng Trị liên kết trồng và thu mua đậu xanh cho bà con nông dân. Hình thành những vùng chuyên canh hàng hóa như: trồng cây mướp đắng ở Gio Mỹ, Gio Thành, huyện Gio Linh; vùng chuyên canh ném ở Hải Quế, Hải Dương, huyện Hải Lăng, trồng rau chất lượng cao, trồng ớt xuất khẩu ở các xã miền biển huyện Triệu Phong, Hải Lăng… Đồng thời tổ chức, tham gia các hội chợ, trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản của tỉnh, trong đó có các sản phẩm vùng cát như Dưa lưới, Ném, Mướp đắng... cũng như tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để sản xuất và tiêu thụ ổn định  giúp bà con yên tâm sản xuất.

  Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 kinh tế từ biển và ven biển đóng góp 30 - 40% tổng GDP của tỉnh, trong đó phát triển nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản chiếm một phần đáng kể. Để phát triển kinh tế vùng cát theo hướng bền vững, những năm tới tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ ngành nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với hệ sinh thái vùng ven biển; đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh vùng đất cát ven biển theo mục tiêu phòng hộ kết hợp kinh tế; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Khai thác thế mạnh vùng cát bằng xây dựng các mô hình kinh tế tập trung, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để tăng hiệu quả sử dụng đất và giá trị trên một đơn vị diện tích là hướng phát triển lâu dài và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần cải thiện đời sống của người dân ở vùng cát ven biển bãi ngang. 


                                                                                                                        Đạo Thiện
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD