Tin tức

Tích cực triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm

Chủ nhật, 01/12/2019 - 16:16

Thực hiện Quyết định số 490 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền, vận động gắn với hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên và nông dân mở rộng quy mô, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh cũng như phát triển mới thêm một số sản phẩm nhằm gia tăng giá trị, tạo ra sản phẩm đặc trưng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Canh tác lạc theo hương nông nghiệp thông minh ở xã Gio Mỹ huyện Gio Linh

Ông Trần Ngọc Nhơn, ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng dẫn chúng tôi đi thăm những vườn cam trĩu quả, phấn khởi nói rằng: Cách đây 20 năm ông cùng với một số hộ nông dân lên vùng gò đồi K4 lập trang trại. Sau nhiều năm trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng, cuối cùng chọn lựa được một loại cây mang lại giá trị cao đó cam giống Vân Du và Xã Đoài được du nhập từ Nghệ An và hiện tại ở vùng K4 này trồng được 40 ha, trong đó gia đình ông có 6 ha. Cây cam phù hợp với đất đai, khí hậu, bán được giá, 1kg tươi dao động từ 20.000 đến 25.000 đồng, tính ra 1 ha cho thu nhập từ 500 đến 600 triệu đồng. Điều rất phấn khởi là huyện Hải Lăng và xã Hải Phú chọn cam là cây trồng chủ lực tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đã có nhiều chính sách khuyến khích như: hỗ trợ 60% giá giống cây, ưu tiên cấp đất để mở rộng vùng chuyên canh nên người dân tích cực mở rộng diện tích và tổ chức trồng thâm canh theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm an toàn.
 
Cánh đồng ném ở xã Hải Dương huyện Hải Lăng

Với mục tiêu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị, trong thời gian qua các địa phương đều tích cực triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh cho hay: Cùng với khuyến khích và hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng các sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường như: nước mắm, đậu xanh, tiêu, dưa hấu, tinh bột nghệ, miến gạo, thuyền composite, các cấp Hội đã vận động nông dân hình thành nhiều sản phẩm mới như tinh bột sắn dây, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, tinh dầu tràm, dầu lạc, dầu mè, hương thơm, chuối daca, nấm linh chi, gạo hữu cơ. Kết quả bình chọn mới đây huyện đã công nhận 31 sản phẩm tiêu biểu và trước đó, qua 2 lần tham gia bình chọn cấp tỉnh, Vĩnh Linh có 7 sản phẩm được công nhận, đặc biệt trong năm 2018, có 2 sản phẩm đạt giải cao là thuyền composite sản xuất tại xã Vĩnh Thái giành giải Nhì cấp tỉnh và giải cấp khu vực, sản phẩm tinh bột nghệ của Công ty Hùng Dung đạt danh hiệu thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam. Những sản phẩm này đã hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài khu vực, nhận được nhiều hợp đồng ký kết sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời được huyện hỗ trợ kinh phí mở rộng quy mô cũng như đăng kí nhãn mác, xây dựng thương hiệu.  
 
Mô hình trồng dưa lưới của HTX Trường Sơn

Có thể nói, chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã và đang được nông dân trong toàn tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia và bước đầu đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Ông Trần Văn Bến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Đây được xem là giải pháp để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng miền, không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp các xã giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững, mang lại thu nhập cho người nông dân.

 
Cây cà phê ở xã Hướng Phùng huyện Hướng Hóa

Theo số liệu khảo sát, toàn tỉnh hiện có 35 sản phẩm thế mạnh, trong đó có 5 sản phẩm có doanh thu 1 năm trên 20 tỷ đồng gồm nước mắm, bún bánh, cá hấp, ném củ và cao dược liệu. Ngoài ra có gần 100 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển, tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Tuy nhiên, đa số sản xuất thủ công, nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu và còn khó khăn trong khâu tiêu thụ. Do vậy, bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình tỉnh đến xã. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích mở rộng quy mô sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị cao đã được khẳng định trong thực tế, các cấp Hội tham mưu và cùng với chính quyền tìm các nguồn vốn ưu tiên xây dựng hạ tầng, dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, hoàn thành các thủ tục hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho những nơi tìm chọn một số loại cây trồng phù hợp, đưa vào sản xuất để tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương mình. Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với HTX và doanh nghiệp, áp dụng các quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra sản phẩm hàng hóa và chú trọng hơn nữa đến việc xây dựng nhãn mác, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Cùng với đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ kết nối nông dân với Nhà nước, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học, nhà phân phối để tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn và hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp.
 


                                                                                                                                                   Bá Thuần

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD