Tin tức

Gian nan giữ nghề dệt xăm lưới

Thứ ba, 17/12/2019 - 08:58

Được hình thành cách đây hàng trăm năm, nghề dệt xăm lưới truyền thống ở thôn Thâm Khê (xã Hải Khê – huyện Hải Lăng) từng là nghề mưu sinh của hàng chục hộ gia đình tại địa phương bên cạnh nghề đi biển. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nghề này đang bị mai một dần. Nếu như năm 2005, toàn thôn có hơn 50 khung dệt, thu hút hàng trăm lao động thì đến thời điểm này chỉ còn vẻn vẹn có 3 khung dệt hoạt động cầm chừng.


 
Ông Truyền với sản phảm lưới do mình làm ra

Về thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng trong những ngày mưa ẩm cuối năm 2019. Những làn gió mùa càng làm tăng thêm nỗi buồn của làng nghề dệt xăm lưới, nơi  mà có thời gian đã từng rộn ràng tiếng thoi đưa lách cách của hơn 50 khung dệt với nghề đan dệt xăm lưới truyền thống. Ông Lê Ngọt (81 tuổi) buông tiếng thở dài ngao ngán: làng nghề dệt xăm lưới Thâm Khê từng được biết đến là một trong những làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm của tỉnh. Ban đầu là tự dệt xăm lưới cho mình đi biển. Rồi tiếng tiếng lành đồn xa, xăm lưới của thôn Thâm Khê được ngư dân  khắp nơi tìm đến đặt mua. Sản phẩm xăm lưới của người dân thôn Thâm Khê không những được khách hàng trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế ưa chuộng mà còn vươn tới các tỉnh phía Nam như Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu... Ông Ngọt cho biết: Chỉ cách đây chừng 10 năm, cả thôn Thâm Khê có hơn 50 khung dệt cỡ vừa và cỡ lớn hoạt động hết công suất ngày đêm. Xăm lưới do người dân Thâm Khê dệt không những có chất lượng tốt, mà còn có khổ xăm đủ mọi kích cỡ, sợi xăm lại mảnh nên rất thuận tiện cho việc kết lại làm vàng lưới kéo ruốc hay làm vàng lưới rùng để đánh bắt cá ở vùng biển bãi ngang.
 
Ngoài ra, người dân trong thôn còn đầu tư thêm khung dệt lưới ba cao lườn, lưới ghẹ với chất lượng tốt, giá thành phù hợp để phục vụ cho tàu, thuyền đánh bắt trung bờ, xa bờ. “Vào thời điểm đó, khắp nơi trong làng đi đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp cảnh những em nhỏ quay gấc mỏng vào ống nhựa để làm suốt, thành thoi, vào guồng, người lớn lên khung, căng khổ lưới lên băng dệt bằng tre, đặt co dệt, treo sợi gấc, phân mắt lưới rồi đứng máy dệt xăm, lưới hàng giờ trong hiên nhà rợp bóng tre xanh. Nhưng bây giờ thì mấy chú có tìm đỏ mắt khắp thôn thì may ra mới bắt gặp một vài nhà đang còn làm nghề dệt xăm lưới. Nguyên nhân chính là vấn đề đầu ra và giá thành sản phẩm. Nếu như trước đây chỉ có thôn Thâm Khê này làm nghề dệt lưới. Thì bây giờ nhiều nơi làm, lại dệt bằng máy móc nên nhanh hơn, giá bán rẻ hơn. Người dân làng nghề chúng tôi không cạnh tranh được, xăm lưới làm ra không có ai mua nên đành phải treo khung, bỏ nghề thôi”, ông Ngọt ngậm ngùi.
     
 Rời nhà ông Ngọt, chúng tôi đến nhà ông Trần Văn Tuyền (61 tuổi), một trong những hộ ít ỏi còn lại đang còn “đeo bám” với nghề dệt xăm lưới. Bên chiếc máy dệt, đôi tay ông Tuyền thoăn thoắt, khéo léo thao tác đưa những con thoi, đặt co dệt chẳng khác gì một nghệ nhân. Trao đổi với chúng tôi ông Tuyền buồn bã cho biết, nếu như trước đây đến xã Hải Khê (huyện Hải Lăng) hỏi về làng dệt xăm lưới hầu như ai cũng biết. Bởi đặc trưng của nghề này là âm thanh lách cách từ hàng chục khung dệt phát ra đều đặn suốt ngày đêm. Khách hàng nườm nượp đến Thâm Khê đặt hàng xăm lưới. Hồi đó, vợ chồng ông Tuyền với thâm niên hàng chục năm làm nghề dệt xăm lưới, mỗi tháng cũng có thu nhập 6 - 8 triệu đồng. Vậy nhưng bây giờ thì ngoài gia đình ông chỉ còn 2 hộ nữa là hộ ông Lê Thương và hộ bà Nguyễn Thị Gái duy trì cầm chừng nghề dệt xăm lưới này.
 
Nguyên nhân nghề dệt xăm lưới bị mai một dần theo ông Tuyền là do người dân thôn Thâm Khê chậm thay đổi, không đầu tư cải tiến máy móc để nâng cao năng suất. Ông Tuyền dẫn chứng, nếu như trước đây sử dụng khung dệt bằng tay, các công đoạn hầu như đều làm bằng thủ công rất vất vả nhưng mỗi ngày chỉ dệt được khoảng 15 m lưới; bây giờ cũng với khung dệt đó ông cải tiến lại, gắn thêm mô tơ để máy chạy nhanh hơn thì mỗi ngày ông dệt được hơn 150 m lưới, cao gấp 10 lần so với trước đây. Với giá bán hiện nay khoảng 8.000 đồng/mét xăm lưới thì trừ chi phí bình quân mỗi ngày ông thu được khoảng 200 – 300 ngàn đồng. Thêm một đặc điểm nữa ở những người làm nghề dệt xăm lưới, đó là đều mắc bệnh nghề nghiệp. Do làm việc trong môi trường tiếng ồn rất lớn nên ai cũng bị nặng tai. “Nghề dệt xăm lưới này nhìn qua tưởng nhàn, thế nhưng có làm nghề mới biết nỗi khổ của nghề. Khi dệt, chúng tôi phải bịt 2 lỗ tai bằng miếng bông để hạn chế tiếng ồn. Vậy nhưng cũng không ăn thua, chỉ vài năm làm nghề là tai nghe kém đi hẳn. Cùng với đó, hầu hết người dệt xăm lưới đều mắc thêm bệnh đau đầu, đau khớp vì thời gian làm dài, từ 10 - 12 tiếng/ngày, phải đứng nhiều”, ông Tuyền cho biết.
      
Theo anh Hà Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Khê: Nghề dệt xăm lưới Thâm Khê đang bị mai một có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là do đầu ra không ổn định. Ngoài ra do dệt xăm lưới ở Thâm Khê mang tính thủ công, tuy chất lượng tốt nhưng giá thành lại cao hơn các sản phẩm cùng loại nên rất khó cạnh tranh trên thị trường. Anh Hiếu cho biết, xăm lưới Thâm Khê vốn nổi tiếng là sợi mảnh, bền lại được dệt thủ công nên có chất lượng hơn hẳn các loại xăm lưới dệt bằng máy móc công nghiệp. Cũng chính vì vậy mà giá thành xăm lưới Thâm Khê cao hơn so với các loại xăm lưới được dệt bằng máy móc công nghiệp. Mà giá thành cao thì sức cạnh tranh của xăm lưới Thâm Khê trên thị trường cũng vì vậy mà giảm xuống. Hiện tại, xăm lưới Thâm Khê có rất ít người mua. Sản phẩm làm ra không bán được thì tất yếu chẳng ai còn mặn mà với nghề.
 
Để khôi phục lại làng nghề dệt xăm lưới truyền thống theo anh Hiếu rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng chứ không riêng gì chính quyền địa phương. Đặc biệt là sự hỗ trợ về nguồn vốn để người dân thôn Thâm Khê đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị dệt xăm lưới hiện đại để có thể sản xuất với số lượng lớn đáp ứng được nhu cầu của thị trường, cũng như hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời tăng cường quảng bá, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm xăm lưới để người dân yên tâm sản xuất. Nếu làm được như vậy thì lo gì không thu hút những hộ gia đình trước đây vốn làm nghề dệt xăm lưới không quay trở lại với nghề. “Bây giờ muốn làm được sản phẩm tốt, chất lượng cao, số lượng nhiều thì phải có máy móc hiện đại chứ không phải là những khung dệt làm bằng gỗ, mỗi ngày dệt hết công suất cũng chỉ được vài chục mét xăm lưới. Nếu có sự hỗ trợ thì nghề dệt xăm lưới sẽ chẳng thể mai một được, bởi nhu cầu từ người đi biển còn thì nghề cứ còn mãi. Chúng tôi sẽ giữ nghề của cha ông đã bao đời nay gây dựng”, anh Hiếu khẳng định.



                                                                                                                                   Đạo Thiện
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD