Tin tức

Nghề mứt gừng Mỹ Chánh vào vụ Tết

Thứ ba, 07/01/2020 - 08:30

Đến làng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng vào những ngày cuối năm âm lịch, chúng ta dễ dàng cảm nhận được mùi hương cay nồng của gừng. Nhiều gia đình và bà con nhân dân đang tất bật làm mứt gừng phục vụ Tết Nguyên đán. Đây là nghề truyền thống lâu đời của làng Mỹ Chánh. Mặc dù chỉ sản xuất hơn một tháng nhưng thu nhập từ nghề làm mứt gừng mang lại khá cao.

 
Gừng tươi được thái mỏng ngân với nước và chanh

Theo chân ông Bùi Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chánh( Hải Lăng), chúng tôi đến thăm cơ sở làm mứt gừng của chị Võ Thị Tâm, một hộ có nghề làm mứt gừng lâu đời của xã. Thành lệ cứ vào khoảng ngày 20/11 âm lịch gia đình chị Tâm lại bắt đầu tất bật với công việc sản xuất mứt để phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Và những ngày này hàng chục lao động địa phương đang thành thạo với từng công đoạn từ gọt vỏ đến ngâm rửa, thái lát, luộc, và ngào gừng với đường cho đến công đoạn cuối cùng là đóng gói. Tất cả để cho ra những lát mứt gừng vừa thơm ngon, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bình quân mỗi vụ Tết gia đình chị Tâm đưa ra thị trường từ 25 – 30 tấn mứt gừng với giá bán từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Trừ chi phí đã mang lại thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng. Tạo việc làm cho gần 50 lao động địa phương, với thu nhập từ 150.000 – 250.000 đồng/người/ngày.
    
Trao đổi với chúng tôi, chị Tâm cho biết, đây là nghề truyền thống của gia đình từ bao đời nay. Để đảm bảo chất lượng mứt gừng, đáp ứng được khẩu vị của người tiêu dùng, ngay từ đầu năm, chị đã liên hệ các đầu mối cung cấp gừng có chất lượng tại các tỉnh Tây Nguyên. Theo chị Tâm, để sản xuất ra 1 kg mứt gừng cần có 1 kg gừng củ tươi, 1 kg đường cát trắng và được chế biến theo đúng quy trình. Trước hết cần phải chọn củ gừng to đều, không quá già nhưng cũng không được non quá. Sau đó gọt vỏ, xắt lát mỏng, đem rửa sạch luộc với nước chanh và giấm rồi xả sạch bằng nước lạnh để giữ được màu đặc trưng. Cuối cùng là ngào với đường trên chảo nóng trong khoảng 30 phút, sau đó để nguội lát mứt rồi đóng vào bao nilon.
   
   Trong suốt quá trình ngào với đường, người đứng bếp yêu cầu phải tập trung cao độ, không được để lửa lớn quá bởi sẽ gây cháy đường, cũng không được thấp quá khiến đường không kết tinh trên gừng được, mà phải đủ nóng để đường và gừng hòa quyện vào nhau. Ngay cả công đoạn bào gừng thành lát cũng đòi hỏi người thợ có tay nghề, đảm bảo lát gừng to, dài, đẹp mắt.

 
 Công đoạn cuối cùng để cho ra thành phẩm mứt gừng

Theo ông Bùi Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chánh, nghề làm mứt gừng ở làng Mỹ Chánh là nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời, ban đầu chủ yếu để phục vụ trong gia đình, dần dà về sau, mứt gừng Mỹ Chánh được bán ở chợ huyện, chợ tỉnh rồi nức tiếng khắp miền Trung, trở thành món đặc sản ngày tết được nhiều người biết đến. Ngày trước, việc làm mứt diễn ra trong từng hộ gia đình nhỏ lẻ nhưng nay, các cơ sở làm mứt đã mở rộng quy mô với sự tham gia từ 5 - 10 nhân công, cá biệt có những hộ có từ 30 - 50 nhân công. Bình quân mỗi ngày, mỗi cơ sở sản xuất từ 1 - 5 tạ mứt thành phẩm, cao điểm có cơ sở sản xuất được gần 1 tấn. Theo ước tính, Tết Nguyên đán Canh Tý này, làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh sản xuất khoảng 80 tấn mứt gừng. Với giá bán sỉ mứt gừng trên thị trường khoảng 50.000 đồng/kg, mứt loại 1 có giá từ 60.000 - 65.000 đồng/kg thì tổng thu nhập của cả làng đạt khoảng 3,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân lúc nông nhàn, bình quân một ngày của người dân đi làm mứt gừng đạt từ 100.000 - 150.000 đồng, những người tay nghề cao còn được trả từ 200.000 - 300.000 đồng.
 
Mứt gừng Mỹ Chánh nổi tiếng thơm, cay nồng, màu gừng tự nhiên không tẩy trắng nên rất được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng trong dịp tết. Để giữ vững thương hiệu và nghề truyền thống của mình, người dân ở làng Mỹ Chánh luôn sản xuất nguồn hàng đạt chất lượng. Ông Bùi Văn Sinh cho biết thêm: trải qua nhiều biến cố thăng trầm, người dân mới tạo được chỗ đứng cho mứt gừng Mỹ Chánh trên thị trường. Không chỉ phục vụ như cầu trong tỉnh mà mứt gừng Mỹ Chánh còn vươn tới các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Vào vụ, nghề làm mứt gừng đã tạo việc làm cho hơn 200 lao động tại địa phương.
 
Để giữ được thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh, bên cạnh hương ước của làng nghề, ngay từ đầu vụ, UBND xã đã tổ chức họp các hộ làm mứt gừng, ký cam kết không sử dụng hóa chất trong chế biến, tất cả các công đoạn sản xuất đều được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống của hộ khác, hộ nào vi phạm sẽ không được tiếp tục sản xuất. Song song với đó, chính quyền địa phương cũng tăng cường chỉ đạo các hộ tích cực sản xuất đồng bộ, thực hiện theo quy định nhãn mác của mình đã được đăng ký để đưa ra thị trường bán vào dịp Tết.
 
Theo kế hoạch thì trong tương lai, các cơ sở làm mứt sẽ được quy hoạch vào Cụm công nghiệp Hải Lăng để đảm bảo vệ sinh, quy mô. UBND xã Hải Chánh cũng đang phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh hoàn tất các thủ tục để được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận bảo hộ thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động làng nghề mứt gừng giữ vững chất lượng, thương hiệu đã dày công tạo dựng; xây dựng vùng trồng gừng tập trung để tạo nguyên liệu tại chỗ. Đồng thời kiến nghị với các ban, ngành cấp trên có chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường do nước thải trong các công đoạn sản xuất mứt gừng gây ra”, ông Bùi Văn Sinh nói.
    
 Vào những ngày này, các hộ sản xuất mứt gừng ở Mỹ Chánh đang hối hả ngày đêm sản xuất để kịp giao hàng trong dịp Tết. Công việc rất bận rộn, khẩn trương, nhưng ai cũng thấy phấn khởi vì mứt năm nay đang bán chạy, được giá, dự báo một cái tết sung túc, đầm ấm hơn.


                                                                                                                                                      Đạo Thiện

 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD