Tin tức

Tấm gương oanh liệt của một người cộng sản

Thứ bảy, 25/01/2020 - 11:26

Chỉ riêng đối với quê hương Quảng Trị thì từ khi có phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo đến nay có rất nhiều tấm gương liệt sĩ sống anh dũng, chết vẻ vang vì dân vì nước. Nhưng có một trường hợp thật đặc biệt mà chúng tôi muốn nói tới, đó là nhà cách mạng-liệt sĩ Trần Công Ái. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu và phân tích về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Vì nếu không sẽ khó lòng đánh giá đúng vai trò quan trọng của ông trong lịch sử cách mạng của quê hương đất nước.


Cô trò Trường THCS Trần Công Ái ở Thủy Tú 2, xã Vĩnh Tú huyện Vĩnh Linh 

 
Xin nhắc đến một chi tiết ít người biết nhưng không thể bỏ qua. Cố tiến sĩ Võ Xuân Trang, lúc sinh thời, cách đây 1/3 thế kỷ, hồi còn tỉnh Bình Trị Thiên, khi đi điền dã sưu tầm chuyện trạng Vĩnh Hoàng tại Vĩnh Linh cũng đã tỏ ra rất chú trọng đến nhân vật Trần Công Ái dù đây không phải là trọng tâm khảo sát của ông, một nhà nghiên cứu văn học dân gian. Như vậy phần nào thấy được tầm vóc của Trần Công Ái.
 
Trần Công Ái tên thật là Trần Văn Ái,  sinh năm 1905 trong một gia đình rất có thế lực ở phủ Vĩnh Linh, là con chánh tổng Huỳnh Công, Trần Công Nghi, nay là thuộc xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh. Cha thì cam tâm làm tay sai cho giặc Pháp, con thì yêu nước đến tận cùng gan ruột. Ông còn có người anh là Trần Công Đại cùng chung chí hướng. Hai anh em giấu  chánh tổng Trần Công Nghi rồi  cùng nhau bí mật hăng hái tham gia phong trào cách mạng. Hai năm sau khi Chi bộ Huỳnh Công được thành lập, năm 1933 Trần Công Ái được đứng vào hàng ngũ của Đảng, khẳng định lý tưởng của mình là đấu tranh đến cùng vì lợi quyền của nhân dân và Tổ quốc. Ông hoạt động hết mình, mưu trí và dũng cảm nên chẳng bao lâu đã được đồng chí và tổ chức tin cậy bầu vào phủ ủy Vĩnh Linh cũng như tỉnh ủy Quảng Trị. Nhưng rồi địch theo dõi biết ông là cán bộ cộng sản nên định bắt giữ nhưng ông được mật báo nên thoát nạn rồi vào Triệu Phong tiếp tục hoạt động theo sự phân công của cấp trên. Địch vẫn dò la tung tích của người cộng sản tuổi tuy còn trẻ nhưng hoạt động xông xáo, trầm tĩnh và gan dạ, nhiều phen thoát hiểm là mối nguy không nhỏ cho nền cai trị của nước  Pháp và chính quyền phong kiến tay sai. Sau một thời gian truy bắt ráo riết, ngày 10 tháng chạp năm 1941 tại chợ Ngô Xá (Triệu Phong) ông đã bị bọn mật thám Pháp ập đến bắt giữ. Chính quyền và mật thám hí hửng vì biết ông là một đầu mối rất quan trọng để từ đó lần ra đường dây giao liên cũng như bắt gọn Tỉnh ủy Quảng Trị, Phủ ủy Vĩnh Linh nếu ông chịu hé răng. Bởi vậy, chúng đã tra tấn ông hết sức dã man trong suốt hai mươi ngày trời. Vừa dùng cực hình, bọn giặc vừa dụ dỗ, hứa hẹn những lời đường mật, vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng nếu ông chịu khai báo. Nhưng vô hiệu, ông vẫn không nói nửa lời. Cuộc chiến đấu hết sức gay go vẫn chưa thể kết thúc, trong khi đó không bên nào có dấu hiệu rút lui. Tình thế căng như sợi dây đàn. Đêm Giao thừa lại đến.
 
 Bỗng nhiên, sáng mồng một Tết, ông Trần Công Ái bảo với lính canh ngục báo với cấp trên,  mình sẽ đồng ý đi chỉ điểm cơ quan Tỉnh ủy. Bọn chúng báo tin cho nhau mừng rơn như bắt được vàng. Địch cho dọn một mâm cơm thịnh soạn cho ông trước lúc lên đường. Ông cũng ăn uống lấy sức để đi hết con đường mình đã chọn. Xe chở đầy lính áp tải Trần Công Ái chạy theo đường cái quan theo hướng dẫn của người tù. Đến cầu Lai Phước (Đông Hà), ông bảo dừng lại, xuống đi bộ kẻo đến gần quá sẽ bị lộ. Bọn giặc nghe theo. Tên chỉ huy đi theo ông, bất thình lình đến giữa cầu, ông định xô ngả nó xuống sông nhưng sức yếu nên ý định không thành, ông bèn tự mình gieo xuống dòng nước quê hương. Điên cuồng, bọn giặc xả súng không ngớt, máu nhuộm ngày nguyên đán. Nhân dân và đồng chí biết tin ai nấy sững sờ ! Tấm gương hy sinh lẫm liệt của ông vào đúng ngày mồng một Tết, ngày đầu năm mới, để bảo vệ tổ chức và lý tưởng đã vang vọng nhiều nơi khiến mọi người tiếc thương, cảm phục vô vàn, kể cả kẻ thù cũng phải nghiêng mình trước cái chết của một người cộng sản đích thực.
 
 Sau khi ông mất ít lâu, Hội nghị trung ương lần thứ 8 của Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức tại Pắc Bó (Cao Bằng) từ ngày 10-19/5 do đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại biểu Quốc tế Cộng Sản triệu tập và chủ trì. Hội nghị đã bàn nhiều vấn đề đại sự của cách mạng. Đặc biệt, khi nhấn mạnh những tấm gương xả thân vì lý tưởng cách mạng, nghị quyết ghi rõ: " Phải nêu cao những tấm gương hy sinh phấn đấu cảu Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương và những bậc tiền bối hy sinh vì Tổ quốc như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Công Ái, Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập. Phải nêu cao hơn nữa cho toàn thể quốc dân noi theo".
 
 Như vậy tấm gương hy sinh oanh liệt của một người cộng sản Quảng Trị đã chính thức đi vào nghị quyết trung ương Đảng trong những tháng năm dầu sôi lửa bỏng. Một sự tôn vinh xứng đáng và một niềm tự hào không dễ gì có được, thể hiện trong một văn kiện chính thức quan trọng hàng đầu của Đảng. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh vì có những con người như thế mà đất nước Việt Nam mới "nở hoa độc lập, kết quả tự do".
 
  Sau khi ông hy sinh, Trương Am, một bạn tù của ông đã viết những vần thơ ca ngợi:

 
  “Da dù nát, thịt dù tan anh vẫn
Nghiến răng thà chết không khai
Còn một chút tàn hơi
Anh gắng sống với niềm tin mãnh liệt
Điện đốt, dây treo, đòn roi kìm kẹp
Dạ vẫn trung thành không một chút đổi thay”…
 
  Chúng tôi đã nhiều lần về Vĩnh Tú, đã ghé thăm trường THCS Trần Công Ái; đã nghe thầy trò và người dân quê hương kể về cuộc đời và sự nghiệp của một người tận hiến. Như thế cũng đã mãn nguyện phần nào.
  
Nhưng, như chính Tiến sĩ Võ Xuân Trang đã từng băn khoăn, trăn trở, sau ngày nước nhà thống nhất, tên tuổi của nhà cách mạng Trần Công Ái vẫn chưa được vinh danh đúng tầm vóc, nghĩa là phải ở phương diện quốc gia, đúng như các liệt sĩ mà Nghị quyết Trung ương 8 đã nêu. Mặc dù, trong thời kháng chiến chống Pháp đã có xưởng mộc Trần Công Ái, nhưng rồi cùng với thời gian tên tuổi của ông vẫn chưa được lan tỏa đúng nghĩa. Thiết nghĩ việc này cần có sự vào cuộc của những cơ quan có thẩm quyền, với sự tham vấn của những đơn vị chuyên môn khi đề đạt với Trung ương. Xin nói thêm rằng, bà mẹ Trần Công Ái là Trần Thị Trúc cũng được công nhận là Bà mẹ VNAH vì cả hai con: Trần Công Đại và Trần Công Ái đều là liệt sĩ vì nước quên mình.
 
Còn riêng với Quảng Trị, cần có những tên đường phố, trường học, công viên, thư viện, công ty... mang tên Trần Công Ái. Nếu kinh phí còn hạn hẹp thì việc đặt tên cũng không có gì phiền hà, tốn kém, miễn đừng nặng chuyện xây dựng tượng đài hay các công trình mà vẫn tôn vinh đúng nghĩa thì rất nên làm. Nếu cần thì nên mở hội thảo để vấn đề cần làm sáng tỏ hơn một cách chính danh. Nhưng nói gì thì nói, tên tuổi của một người liệt sĩ đã đi vào nghị quyết trung ương Đảng là một bảo chứng bằng vàng cho những hoạt động tri ân.
 
 Hy vọng tâm nguyện này sẽ sớm được xem xét thực hiện.

             
                                                                                                                   Xuân Dũng 
  
  
 
 
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD