Tin tức

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chế biến gỗ

Thứ hai, 17/02/2020 - 10:07

Những năm qua, ngành Công nghiệp chế biến gỗ đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị nhưng nhìn chung vẫn đang ở trình độ thấp, giai đoạn sơ khai, chế biến thô các sản phẩm... Một số đơn vị doanh nghiệp chế biến gỗ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Những giải pháp nào sẽ được đặt ra trong thời gian tới nhằm phát huy lợi thế của địa phương.

Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ ở Quảng Trị có quy mô sản xuất nhỏ.

Đến với doanh nghiệp chế biến gỗ chất lượng cao MDF đóng tại Khu Công nghiệp Quán Ngang tỉnh Quảng Trị, với dây chuyền công nghệ sản xuất, chế biến gỗ hiện đại nhất của Châu Âu mà Cty đầu tư cùng với việc được xây dựng ở một vị trí hết sức thuận lợi về giao thông cũng như sự quan tâm của tỉnh Quảng Trị trong việc tạo ra được vùng nguyên liệu rộng lớn đủ cung cấp cho nhà máy hoạt động. Sản phẩm ván gỗ của công ty đang được bạn hàng trong và ngoài nước tính nhiệm và phân khúc thị trường của dòng sản phẩm này còn rất lớn.

Với tốc độ tăng trưởng hơn 20%, ván gỗ của công ty cũng chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu tiêu thụ của cả nước nên chiến lược đầu tư sản xuất ván gỗ MDF/HDF của công ty là hướng đi đúng với xu thế thị trường trong nước và thế giới. Khi biết được thương hiệu và chất lượng sản phẩm của công ty, mới đây một số đối tác của Nhật Bản đã chủ động liên doanh đầu tư với Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị chuẩn bị xây dựng nhà máy ván gỗ thứ 3 tại Quảng Trị. Đây là nhà máy ván gỗ có công suất gần 250 ngàn m3 sản phẩm năm, giải quyết việc làm cho 200 lao động địa phương. Phía Nhật Bản sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm do nhà máy thứ 3 này sản xuất ra để về phân phối tại thị trường của họ.

Anh Nguyễn Trung Kiên, công nhân Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị chia sẻ: “ Từ khi tham gia lao động sản xuất tại công ty, với việc ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại thì đòi hỏi lực lượng công nhân phải có trình độ tay nghề cao, học hỏi thêm kinh nghiệm trong việc điều hành thiết bị. Cũng từ đó thì hiệu quả công việc tốt hơn, mức lương ổn định từ 7 – 9 triệu đồng/ mỗi người một tháng, các chế độ dành cho người lao động đều đảm bảo”.

Ông Nguyễn Thế Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị cho biết: “ Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới công nghệ để cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao hơn cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương” .

 
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất gỗ ở Công ty cổ phần MDF VRG Quảng Trị.

 Quảng Trị có diện tích đất lâm nghiệp khoảng 290.476 ha, trong đó diện tích rừng sản xuất 129.606 ha, rừng phòng hộ 94.302 ha, rừng đặc dụng 66.568 ha. Trong diện tích rừng sản xuất, Quảng Trị có khoảng hơn 85.000 ha rừng keo. Với sản lượng gỗ keo khai thác trên địa bàn tỉnh hằng năm hơn 1 triệu m3 , đây là nguồn gỗ rất lớn không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mà còn là nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Bình Dương, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh… và xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Với tiềm năng và lợi thế hiện có đã đưa Quảng Trị trở thành địa phương sản xuất và cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ keo lớn của cả nước phục vụ cho ngành Công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Đây là tiềm năng và lợi thế rất lớn nhằm thúc đẩy cho ngành sản xuất, chế biến gỗ Quảng Trị phát triển, trở thành một trong những ngành sản xuất Công nghiệp chủ yếu, quan trọng của tỉnh.
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 121 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, tăng gần 60 doanh nghiệp so với năm 2015 và chiếm khoảng 45% trong tổng số doanh nghiệp ngành Công nghiệp chế biến. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã có sự đầu tư lớn trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, đặc biệt là dự án đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ MDF số 2 của Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị với công suất thiết kế là 120.000 m3 sản phẩm/năm và công nghệ hiện đại đã nâng năng lực chế biến gỗ MDF của Quảng Trị lên 180.000 m3. Bên cạnh sản phẩm gỗ MDF, hằng năm Quảng Trị còn sản xuất, cung cấp cho các tỉnh và phục vụ xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gỗ ván ghép thanh, trên 400.000 tấn bào gỗ, gỗ dăm và viên nén năng lượng, đưa Quảng Trị trong nhóm đứng đầu của cả nước về sản xuất gỗ MDF và có nguồn gỗ nguyên liệu phong phú.
 
 Mặc dù đã có bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng khá, nhưng trên thực tế, ngành Công nghiệp chế biến gỗ Quảng Trị cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhìn chung ngành Công nghiệp chế biến gỗ Quảng Trị vẫn đang đang ở trình độ thấp, giai đoạn sơ khai, chế biến thô các sản phẩm như ván ghép thanh, gỗ ván MDF, viên nén năng lượng, băm dăm... Đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ chế biến mức trung bình, mức tiêu hao nguyên liệu còn lớn; chi phí của nền kinh tế còn cao đối với sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp (chi phí lãi suất, vận tải, phí cảng,..) làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu; trình độ nguồn nhân lực, chất lượng lao động, năng suất lao động thấp; khả năng thiết kế, đa dạng hóa các sản phẩm, sản phẩm đa phần chưa có thương hiệu, chủ yếu gia công theo đơn đặt hàng; thị trường xuất khẩu hạn chế, thị trường trong nước thiếu tính bền vững nên đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của ngành Công nghiệp chế biến gỗ Quảng Trị.
 
 Nhà máy viên nén năng lượng Cam Lộ năm 2019 có doanh thu trên 40 tỷ đồng, mức lương cho 100 lao động tại nhà máy hiện tại bình quân trên 7.000.000 đồng mỗi người một tháng. Đây là một trong những đơn vị chế biến gỗ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và cung cấp cho thị trường nội địa.
 
Trên thực tế đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của lĩnh vực chế biến gỗ, một trong những loại cây thế mạnh của tỉnh thì  ngành Công thương, trong thời gian qua đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ đạt kết quả cao. Ngành Công thương đã tham mưu tỉnh xây dựng định hướng phát triển ngành Công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Quảng Trị. Cụ thể như: Phát triển ngành Công nghiệp chế biến gỗ phải trên cơ sở huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế tham gia nhằm nâng cao tốc độ tăng trưởng và tạo ra sự phát triển mới; đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành Công nghiệp chế biến gỗ, trong đó chú trọng thu hút các doanh nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản vào tỉnh, huy động mọi nguồn vốn đảm bảo cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ ổn định, đáp ứng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội. Từ nay đến năm 2025, tập trung rà soát, củng cố và nâng cấp hệ thống nhà máy chế biến lâm sản quy mô vừa, nhỏ và phát triển công nghiệp chế biến lâm sản quy mô lớn sau năm 2025.
 
Ông Lê Tiến Dũng,  Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị đánh giá cao về tiềm năng mà ngành chế biến gỗ mang lại trong sự phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh. Các doanh nghiệp cũng đã tích cực chủ động tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiêu thụ nguồn nguyên liệu tại địa phương với giá thành ổn định. Sở Công Thương cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển theo kế hoạch.
 
Phát huy lợi thế so sánh của tỉnh, tạo nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ phù hợp với yêu cầu của thị trường, ưu tiên thực hiện công tác rà soát bổ sung quy hoạch các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến, phấn đấu tốc độ tăng trưởng sản lượng khai thác gỗ tăng 10-15%/năm giai đoạn từ 2017-2025; hỗ trợ, tạo điều kiện mặt bằng sản xuất, giao đất rừng, vay vốn hỗ trợ công tác trồng và phát triển nguyên liệu gỗ lớn để các doanh nghiệp đảm bảo nguyên liệu cho chế biến sâu. Đồng thời, chú trọng việc huy động nguồn lực, ưu tiên kêu gọi, thu hút thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất công nghiệp chế biến gỗ theo hướng ứng dụng công nghệ cao, kĩ thuật tiên tiến, hiện đại nhằm từng bước cơ cấu lại ngành Công nghiệp chế biến gỗ theo hướng hiện đại, phát triển bền vững; xây dựng thương hiệu hàng hóa sản phẩm gỗ có chất lượng của tỉnh, tăng cường tổ chức công tác quảng bá, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm, tổ chức tốt mạng lưới tiêu thụ để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ trồng rừng, xuất khẩu hàng hóa từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế từ chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.
 

                                                                                                                  Minh Hiển
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD