Tin tức

Hiệu quả kép của mô hình canh tác lúa thông minh

Thứ bảy, 25/04/2020 - 08:25

Trước tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường, trong những năm gần đây, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhiều nơi ở tỉnh Quảng Trị đã thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, quy hoạch đồng ruộng, dồn điền, đổi thửa, hình thành cánh đồng lớn, xây dựng và nhân rộng mô canh tác lúa thông minh. Thực tế cho thấy cách làm này không chỉ hạn chế những tác động bất lợi của thời tiết mà nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tiên tiến, làm cho cây lúa cho năng suất cao, quan trọng hơn là thay đổi tập quán canh tác theo hướng quy mô lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên đồng ruộng.

Lúa canh tác thông minh ở HTX Trung Yên-Triệu Độ
 
Ông Trương Văn Dinh, Giám đốc HTX Trung Yên, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong phấn khởi nói với chúng tôi rằng: Sau khi thử nghiệm thành công mô hình canh tác lúa thông minh trong năm 2019, vụ Đông Xuân năm nay, HTX đã mở rộng diện tích từ 12,5 lên 17 ha. Trên cùng 1 cánh đồng liền vùng, liền thửa, các hộ tham gia mô hình đều sử dụng 1 loại giống là Bắc Thơm 7, gieo sạ cùng 1 lần, bón phân, chăm sóc cùng 1 quy trình kỹ thuật. Kết quả qua thu hoạch cho thấy, trên vùng đất phèn nhưng cây lúa vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất đạt 62 tạ/ha, cao hơn các giống lúa trước đây sử dụng 2 đến 3 tạ/ha. Mặt khác, nhờ giảm chi phí trong các khâu sản xuất nên đã làm tăng lợi nhuận trên 1 đơn vị diện tích.
 
Còn ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc HTX Đức Xá, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh cho biết: HTX có 120 hộ gia đình tham gia mô hình canh tác lúa thông minh trên diện tích 33 ha. Qua nhiều vụ sản xuất, bà con đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ việc thảo luận sử dụng giống phù hợp cho từng vụ, biết cách ủ phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây lúa, sử dụng chế phẩm sinh học từ ớt, tỏi, gừng để thay cho thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh. Do vậy, năng suất luôn đạt trên 60 tạ/ha và gạo có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, bán được giá, mang lại thu nhập cao hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: Quảng Trị là 1 trong 7 tỉnh được hưởng Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng thế giới giai đoạn 2014-2020. Từ năm 2016, tỉnh đã triển khai hợp phần xây dựng mô hình canh tác lúa thông minh bằng những giải pháp canh tác khoa học, kết hợp linh hoạt giữa tiến bộ kỹ thuật với kinh nghiệm canh tác và thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng, ứng phó với điều kiện bất thường của thời tiết để nâng cao giá trị gia tăng trên 1 đơn vị diện tích. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khảo sát thực tế, chọn lựa địa điểm để thực hiện. Các HTX khi tham gia mô hình được hỗ trợ 50% mua công cụ gieo sạ, chế phẩm sinh học, 50% giá giống, 30% số tiền mua vật tư, phân bón, nhiều nơi còn được hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp đường giao thông nội đồng và hệ thống kênh mương. Bên cạnh đó, người dân được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về sử dụng công cụ sạ hàng để gieo cấy, tiết kiệm lượng giống, giảm chi phí nhân công, chọn lựa các loại giống lúa mới, ngắn ngày, chất lượng cao, bảo đảm phẩm cấp và áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trong sản xuất. Đặc biệt một điều rất quan trọng là thay đổi cách bón phân, thay vì bón phân đạm hạt trắng như trước đây nay sử dụng phân đạm vàng. Đây là loại phân nhả chậm, chất dinh dưỡng tan ra từ từ, giúp cây có thể hút được nhiều và lâu hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng các chất dinh dưỡng cho cây tốt hơn. Cho đến nay, toàn tỉnh có gần 70 HTX tham gia mô hình với diện tích hơn 1.000 ha và diện tích nhân rộng lên đến 5.500 ha. Thực tế cho thấy, mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp và nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại nhưng với việc thực hành canh tác thông minh, sản xuất lúa chất lượng cao trên cánh đồng lớn đã đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao vừa góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên và cải thiện môi trường, tạo nền tảng cho sản xuất hàng hóa nông sản sạch theo hướng bền vững.

Có thể nói, mô hình canh tác lúa thông minh đã tạo bước đột phá trong quá trình thâm canh cây lúa, thay đổi phương thức canh tác cũ bằng phương thức canh tác mới, giảm thiểu những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, tham gia mô hình này, phải đáp ứng yêu cầu đồng ruộng phải liền vùng, liền thửa, quy mô tối thiểu 10 ha trở lên và đảm bảo hệ thống tưới tiêu chủ động, địa hình bằng phẳng, hạ tầng nội đồng tốt nên việc nhân rộng gặp không ít khó khăn vì nhiều nơi ruộng đất vẫn còn manh mún, đường ra nội đồng nhỏ hẹp, kênh mương xuống cấp, một số vùng thường xuyên thiếu nước tưới. Mặt khác, hết năm 2020 dự án kết thúc, không còn nguồn kinh phí để hỗ trợ. Song, thấy rõ hiệu quả kép của mô hình mang lại, Sở NN&PTNT khuyến cáo các địa phương và bà con nông dân quy hoạch đồng ruộng, dồn điền, đổi thửa. Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng như thực hiện các chính sách hỗ trợ cũng như tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiến bộ, liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất gắn với thu mua, bao tiêu sản phẩm.
 


                                                                                                                           Bá Thuần

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD