Tin tức

Công tác đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số ở Đakrông

Thứ năm, 21/01/2021 - 09:42

Trong những năm qua huyện Đakrông dạt được nhiều kết quả quan trọng về công tác cán bộ, đăc biệt là công tác đào tạo, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Qua thực tế công việc được giao, đội ngũ cán bộ này đã khẳng định được vai trò nòng cốt ở cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi...


Cán bộ xã Đakrông làm việc

Chúng tôi gặp anh Hồ Văn Bôn ở xã Đakrông trong lúc anh vừa mới được cử đi học lớp trung cấp chính trị về.  Được sự giới thiệu của đảng ủy xã Đakrông chúng tôi được biết anh là cán bộ nguồn của xã.  Sau khi  tốt nghiệp Học viện Lục quân I đã được bố trí làm tại xã Đakrông được 3 năm. Là người Vân Kiều, lại được trở về công tác tại quê nhà nên anh rất cố gắng trong công việc chuyên môn. Chính sự nỗ lực của mình, nên bản thân anh Bôn nhận được sự ghi nhận từ phía đồng nghiệp và người dân. Anh Hồ Văn Bôn, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Đakrông tâm sự: “Bản thân rất mừng vì được công tác gần nhà, vì thế sẽ cố gắng hết sức trong nhiệm vụ của mình để giúp ích cho bà con dân bản”.
 
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 30/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phát triển nguồn nhân lực cho miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Huyện Đakrông đã xác định, đây là một nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững. Huyện đã triển khai thực hiện tốt các chính sách của Đảng, nhà nước về phát triển nguồn nhân lực như: Nghị quyết số 30a của Chính phủ; Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng cho học sinh nghèo theo học đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; Nghị quyết số 06/2008/NQ-HĐND ngày 28/04/2008 của HĐND Tỉnh về chính sách và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở người dân tộc thiểu số từ 2008-2010, chiến lược đến năm 2020…Việc triển khai tốt những nghị quyết này nhằm giúp cho Đakrông có được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và chuyên môn để đảm nhận công việc. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyển dụng, sử dụng huyện luôn ưu người dân tộc thiểu số vào công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã. Ông Nguyễn Trí Tuân, Bí thư Huyện ủy Đakrông cho biết: “Huyện rất quan tâm đến công tác cán bộ nhất là đội ngũ cán bộ là người đồng bào. Vì thế, huyện thường xuyên phối hợp với tỉnh để mở các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ, lý luận chính trị nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ của huyện”.
 
5 năm qua, công tác quy hoạch, đào tạo và bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm và thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan và công khai. Cơ chế ưu tiên, tạo động lực đã khuyến khích người có trình độ, năng lực phấn đấu, góp phần đổi mới công tác cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Đội ngũ này đã dần khẳng định vai trò nòng cốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Đến nay tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số chiếm 28,5%, trong đó cán bộ, công chức cấp huyện chiếm 11,6%, cấp xã chiếm 60,71%; viên chức sự nghiệp giáo dục chiếm 22,47%.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ các xã, thị trấn trong toàn huyện cũng đã có số lượng người dân tộc thiểu số chiếm tương đối cao. Nhân sự cấp ủy đảm bảo đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và kinh nghiệm thực tiễn. Để có kết quả trên, thời gian qua, Đảng  bộ cấp cơ sở luôn gắn công tác đào tạo với quy hoạch cán bộ. Đội ngũ cán bộ sau khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đều được xem xét, đánh giá đưa vào quy hoạch, tạo nguồn cán bộ tại địa phương. Bà Nguyễn Thị Nhàn, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đakrông nói: "Đối với đảng ủy xã Đakrông luôn vận động cán bộ tham gia học các lớp để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ ở xã có trình độ ngày mỗi được nâng lên và đáp ứng yêu cầu của công việc.”
 
Ðể có đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số phù hợp, đáp ứng tốt yêu cầu công việc như hiện nay, hàng năm, Huyện ủy, UBND huyện Đakrông đã khuyến khích và đưa nhiều cán bộ, công chức cấp xã đi bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, quản lý nhà nước, bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế, chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số. Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, huyện luôn quan tâm đến chính sách cử tuyển và tuyển dụng theo vị trí việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường. Từ năm 2013 đến nay, huyện đã tuyển dụng, bố trí theo vị trí việc làm cho 40 đối tượng cử tuyển tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng theo các quyết định của tỉnh, trong đó: công chức cấp xã 19 người; tri thức trẻ 01 người; viên chức sự nghiệp 19 người; không chuyên trách cấp xã 01 người. Nhờ vậy, những đối tượng mới ra trường có cơ hội có việc làm, được trãi nghiệm với thực tế qua đó để rèn luyện trình độ chuyên môn, dáp ứng ngày càng cao nhu cầu của công việc.

Sự đánh giá đúng đắn và quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền huyện Đakrông đã góp phần thúc đẩy việc củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên thực tế, lực lượng cán bộ là người dân tộc thiểu số địa phương đã có nhiều đóng góp, tạo dựng niềm tin trong nhân dân về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhiều vụ việc bức xúc về đất đai, xây dựng, môi trường và các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự xã hội… diễn ra trên địa bàn đã được giải quyết ổn định nhờ vai trò dân vận của những cán bộ là người dân tộc thiểu số. Mối quan hệ họ hàng, làng xóm, đặc biệt là phương pháp bám sát ở cơ sở đã khiến việc tiếp xúc và nắm bắt tâm tư của cán bộ người dân tộc thiểu số với bà con thuận lợi hơn, giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội. 
 
 
Với việc đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số trong thời gian qua ở trên địa bàn huyện Đakrông đã giúp cho huyện có một đội ngũ cán bộ đủ năng lực và chuyên môn để đảm nhận công việc, trong đó có những người đảm nhận những vị trí quan trọng của xã, của huyện…Có được kết quả đó, chính là nhờ những chính sách ưu tiên, đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Cũng từ đó, đã giúp cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số của huyện miền núi Đakrông yên tâm công tác, có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đảng, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại  địa phương.
 
Ngọc Diệp

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Lịch phát sóng truyền hình

Thăm dò ý kiến

Bạn đã từng xem kênh QRTV trên hạ tầng nào ?
Truyền hình vệ tinh DVB-S2
Truyền hình số mặt đất DVB-T2
Truyền hình cáp DVBC
Truyền hình Internet

Thông tin cần biết

Thời tiết:

17 - 24ºC

Chiều tối và đêm có lúc có mưa rào và dông

Thông tin thời tiết các vùng trong tỉnh

Mã NT Mua tiền mặt Mua CK Bán
USD
AUD
HKD